Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN XÃ QUANG TRỌNG, HUYỆN THẠCH AN, TỈNH CAO BẰNG

         Xã Quang Trọng nằm ở phía Tây huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện 80km, phía Bắc giáp xã Minh Khai huyện Thạch An; phía Nam giáp xã Văn Vũ, huyện Na Rì và xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; phía Đông giáp xã Khánh Long, xã Đoàn Kết, xã Cao Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn; phía Tây giáp xã Đức Vân, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn; tỉnh Bắc Kạn. Diện tích tự nhiên là  84,7785 km2, dân số: 2.083 người với 503 hộ, có 3 dân tộc Tày, Nùng, Dao.

         Địa hình xã Quang Trọng khá phức tạp, đồi núi chiếm đa số diện tích toàn xã, xen kẽ là những đồng ruộng dọc theo sông, suối. Hầu hết đồi núi có độ dốc khá lớn, chỉ thuận lợi cho việc trồng rừng, không thuận lợi cho việc trồng các loại cây hoa màu.

         Những ngọn núi điển hình ở Quang Trọng: Đỉnh cao nhất có ngọn núi Cổng trời nơi tiếp giáp 3 xã Quang Trọng (Thạch An, Cao Bằng) với xã Đức Vân, Bằng Vân (Ngân Sơn, Bắc Kạn) cao 1000m so với mực nước biển, ngọn Khau Bon (bản đồ ghi là Khau Man) ở phía Tây - Bắc giáp xã Minh Khai cao 870m, núi Pú Slí cao 755m, Núi Nặm Dạng cao 711m đều ở phía Tây. Do địa hình đồi núi nên Quang Trọng có một số đèo điển hình như: đèo Cạm Có ở phía Đông, đèo Kéo Lạ ở phía Đông - Nam, đèo Cổng Trời ở phía Tây

    Xã Quang Trọng chịu ảnh hưởng chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm 21oc, độ ẩm trung bình 80%, lượng mưa trung bình năm 1.300mm. Hàng năm có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Nhìn chung thời tiết ở Quang Trọng thuận lợi cho đời sống và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên cũng có những năm hạn hán kéo dài gây thiệt hại cho lúa và hoa màu.

         Quang Trọng có 3 nhánh sông chính gồm: Nặm Dạng bắt nguồn từ Pò Làng, Tả De bắt nguồn từ Nà Cành, Nà Phạc bắt nguồn từ Nà Pùng hợp lưu tại thôn Pò Bẩu hình thành sông Tả Chiếm chảy ra Minh Khai, Canh Tân đổ vào sông Hiến thành phố Cao Bằng.

         Rừng ở Quang Trọng khá phong phú, hầu hết là rừng tái sinh. Độ che phủ rừng nay đã được nâng lên đến 65%. Tổng diện tích rừng tự nhiên Quang Trọng là 8.477,85 ha, trong đó rừng phòng hộ là 4.251,03ha, rừng sản xuất là 3.798,04 ha. Cây rừng chủ yếu là gỗ, vầu, nứa, trong đó phần lớn là rừng gỗ, trong rừng có một số gỗ quý như: Lim, Lát, Sến, Dổi, Đinh dâu, Vàng tâm, Mỡ, Xoan... Từ khi có chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng, đã làm cho rừng đang ngày càng phát triển. Ngoài rừng tự nhiên nay đã có hàng trăm ha rừng hồi, rừng quế, rừng keo ngày càng mở rộng diện tích, trong rừng có nhiều cây dược liệu quý như: Ngũ gia bì, Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Sâm cau, Huyết đằng, Đỗ trọng, Đại bi đỏ, Cát sâm, Ba kích…và nhiều lâm sản như: Sa nhân, Mộc nhĩ, Nấm hương… đó là những tiềm năng để nhân dân xã Quang Trọng phát huy lợi thế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

         Quang Trọng có nhiều tài nguyên khoáng sản trong đó có vàng sa khoáng phân bố dọc Tả chiếm, sông Nặm Dạng, suối Nặm Sliêng và các điểm vàng gốc ở Phiêng Đẩy, Khuổi Báng, Khau Hên. Do đã khai thác nhiều nên trữ lượng còn ít, hiện nay nhà nước đã có chính sách quản lý chặt chẽ bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương.

      Quang Trọng có tỉnh lộ 209 chạy qua trung tâm xã và các xóm với tổng chiều dài khoảng 20km, có đường liên xã sang xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đường liên tỉnh sang xã Đức Vân, Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, đường tỉnh lộ 209 đi ra trung tâm huyện Thạch An, tạo thành ngã tư tại trung tâm xã. Đây là những tuyến đường có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội - quốc phòng, an ninh.

Thực hiện: Nông Lành

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Quang Trọng, huyện Thạch An

 

        

Tin khác
Tin tức
Đăng nhập
 
IPv6-test.com button BEGIN ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang